Theo quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC, doanh nghiệp có thể đồng thời tạo nhiều hình thức hóa đơn khác nhau bao gồm hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử. Trong đó, hóa đơn điện tử được chia thành hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Xoay quanh hóa đơn điện tử có khá nhiều mà doanh nghiệp còn vướng mắc như mẫu biên bản thu hồi hóa đơn điện tử, đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực, quy trình thông báo phát hành hóa đơn điện tử,… Bài viết sau sẽ nêu khái quát các thông tin doanh nghiệp cần biết về hóa đơn điện tử có mã xác thực.
1. Nội dung trên hóa đơn điện tử có mã xác thực
Không khác biệt nhiều so với hóa đơn đặt in, nội dung trên hóa đơn điện tử có mã xác thực chỉ bổ sung thêm các vấn đề bao gồm:
– Trên hóa đơn xác thực thể hiện thêm các thông tin: số hóa đơn xác thực, mã xác thực, mã vạch hai chiều.
– Chữ ký của người bán: Hóa đơn xác thực phải có chữ ký điện tử của người bán trước khi được cấp mã xác thực và số hóa đơn xác thực.
– Chữ ký người mua: Trường hợp người mua có chữ ký điện tử, người mua có thể ký điện tử sau khi hóa đơn đã được xác thực (nếu cần).
– Các nội dung khác trên hóa đơn tuân thủ theo quy định hiện hành.
2. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực
Doanh nghiệp thực hiện truy cập phần mềm xử lý hóa đơn của Tổng cục Thuế để đăng ký sử dụng hóa đơn xác thực theo mẫu số 01/ĐK-HĐXT ban hành kèm theo Quyết định 1209/QĐ-BTC, nội dung đăng ký bao gồm:
– Đăng ký sử dụng hóa đơn xác thực.
– Đăng ký chứng thư số để ký điện tử trên hóa đơn xác thực và giao dịch với cơ quan thuế. Doanh nghiệp có thể đăng ký sử dụng một hoặc nhiều chứng thư số.
Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ khi nhận được đăng ký của doanh nghiệp, cơ quan thuế gửi thông báo tới địa chỉ thư điện tử của doanh nghiệp về việc chấp nhận hay không chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn xác thực:
– Nếu chấp nhận, cơ quan thuế thông báo thông tin về tài khoản (tài khoản cấp 1) và mật khẩu của doanh nghiệp theo mẫu số 03/TB-HĐXT ban hành kèm theo Quyết định 1209/QĐ-BTC.
– Trường hợp doanh nghiệp không được chấp nhận, cơ quan thuế thông báo lý do không chấp nhận cho doanh nghiệp theo mẫu số 03/TB-HĐXT ban hành kèm theo Quyết định 1209/QĐ-BTC.
Đối với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều tài khoản, doanh nghiệp truy cập phần mềm xử lý hóa đơn của Tổng cục Thuế hoặc phần mềm lập hóa đơn cho doanh nghiệp thực hiện tạo các tài khoản cấp 2.
3. Thủ tục phát hành hóa đơn điện tử có mã xác thực
Trước khi sử dụng hóa đơn xác thực, doanh nghiệp phải truy cập phần mềm xử lý hóa đơn của Tổng cục Thuế để đăng ký phát hành hóa đơn xác thực theo mẫu số 05/ĐK-HĐXT ban hành kèm theo Quyết định 1209/QĐ-BTC.
Các mức chi phí để có thể sử dụng hóa đơn điện tử
Quy định về kiểm tra hóa đơn điện tử của các DN bởi Cơ quan nhà nước
Thông tin đăng ký phát hành hóa đơn xác thực bao gồm: tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ngày bắt đầu sử dụng, số lượng hóa đơn thông báo phát hành, phần mềm sử dụng để lập hóa đơn xác thực.
Trường hợp doanh nghiệp sử dụng đồng thời cả phần mềm lập hóa đơn cho doanh nghiệp, phần mềm lập hóa đơn riêng của doanh nghiệp và phần mềm xử lý hóa đơn của Tổng cục Thuế để lập hóa đơn, doanh nghiệp phải đăng ký thông tin phát hành hóa đơn xác thực cho từng phần mềm.
Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn xác thực sau khi đăng ký phát hành thành công. Thông tin đăng ký phát hành hóa đơn xác thực của doanh nghiệp được cơ quan thuế đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.